Tin tức

Chủ biên chia sẻ về hành trình 6 năm biên soạn sách Toán phổ thông mới

07:00 | 24/11/2019
Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Toán không phải là sự vội vàng hay đẻ non mà là kết quả làm việc cật lực của ban soạn thảo trong 6 năm liền. 

 Học toán để áp dụng chứ không phải để đạt điểm cao

Sáng 24.11, ngày hội toán học mở năm 2019 với chủ đề "Toán học ở khắp mọi nơi" vừa diễn ra tại Trường Trung học thực hành Sài Gòn (TPHCM). Trong khuôn khổ ngày hội, nhiều diễn giả là chủ biên sách toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã có những chia sẻ xoay quanh "hành trình" biên soạn sách này.

 
Học sinh tham gia ngày hội Toán học mở năm 2019. Ảnh: Anh Nhàn

 

GS Đỗ Đức Thái (chủ biên môn Toán) có hay ông và ban soạn thảo đã mất 6 năm để biên soạn sách Toán. 

Theo GS Đỗ Đức Thái, quan điểm xây dựng chương trình môn Toán mới được thực hiện theo quan niệm, tinh giản chứ không tinh giảm, tức là nội dung môn toán chỉ còn những gì cốt lõi nhất mà con người cần ở giáo dục phổ thông. 

Chương trình sẽ phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh đồng thời cũng đáp ứng được tiêu chí thiết thực, học để áp dụng vào thực tế cuộc sống.

 
 Các diễn giả chia sẻ trong ngày hội

 

"Sẽ không có ông chủ nào bảo nhân viên giải bài toán phương trình bậc 2 rồi mỗi tháng phát lương. Do đó, phải dạy học sinh áp dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống chứ không học để giải bài tập lắt léo và để thi đạt được điểm cao. Con em chúng ta sau khi học xong có thể du học, tham gia vào thị trường lao động chung. 

Từ trước đến nay, cách dạy, học, thi cử của chúng ta đào tạo ra những con người khuôn mẫu chứ không đề cao việc dạy con người sáng tạo, điều đó cản trở đất nước đi lên. Chúng ta nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng nếu không có con người sáng tạo thì đó chỉ là lý thuyết suông" - GS Đỗ Đức Thái đưa ra quan điểm.

Tính nhân văn được thể hiện qua việc dạy và học toán như thế nào?

Ngoài những quan điểm giáo dục trên,  GS Đỗ Đức Thái  còn đưa ra một ví dụ thực tế trong việc áp dụng những bài học nhân văn vào toán học.

"Ví dụ, chúng ta dạy phép toán 7 trừ 3 bằng 4. Nhưng sách nước ngoài thế này, sẽ có hình vẽ một cậu bé một tay cầm 4 viên kẹo, một tay cầm 3 viên và chia cho em gái của mình 4 viên kẹo. Ngoài kiến thức cơ bản của phép tính trừ, họ còn đưa ra thông điệp là làm anh phải chịu phần thiệt hơn. Đó là sự nhân văn của toán học, dạy nhân cách và dạy làm người" - GS Đỗ Đức Thái nói. 

Đồng quan điểm trên, thầy Khúc Thành Chính (chủ biên sách Toán bậc tiểu học) cũng cho rằng, sách Toán cần lồng ghép những nội dung gần gũi với cuộc sống.

Trong sách Toán lớp 1 của chương trình phổ thông mới sẽ có mục đất nước em. Trong mục đấy có đề câp một số giá trị văn hóa, lịch sử, địa lý vùng miền như chợ nổi miền Tây, biển Nha Trang và cuối sách sẽ có bản đồ Việt Nam.

Ngoài việc lồng nội dung Toán vào, môn Toán còn giúp học sinh có sự quan tâm đến môi trường xung quanh gia đình, xã hội và đất nước mà em đang sống. 

"Nhóm biên soạn cố gắng hướng tới những em không có năng khiếu môn học này. Bởi học sinh mỗi em một vẻ, với những sở trường, năng khiếu khác nhau, quan trọng là phát huy tính nhân văn trong sách.

Tôi cũng có đưa một mục việc làm ở nhà, để cha mẹ nhìn vào biết con mình đang học đến đâu, học ở chỗ nào, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình" - thầy Khúc Thành Chính cho hay. 

(Nguồn tin: laodong.vn)

Các tin khác